Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng gửi con ra nước ngoài học từ khi còn nhỏ, vì lý do con được sớm tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến sẽ hình thành nên kỹ năng sống tốt hơn.
Nhiều cha mẹ đưa con ra nước ngoài du học khi trẻ chỉ 10-15 tuổi, độ tuổi chỉ học tiếng anh cấp THCS, chưa đủ khả năng giao tiếp lưu loát với người nước ngoài, điều này sẽ khiến trẻ sẽ khó theo kịp và thích nghi với môi trường sống ở nước ngoài. Dưới đây là 3 lý do khiến cha mẹ phải suy nghĩ khi đưa con ra nước ngoài du học.
1. Không vượt qua được cú sốc tâm lý tuổi mới lớn
Ở lứa tuổi 10-15 là giai đoạn dậy thì của trẻ, giai đoạn này có những thay đổi lớn cả về sinh lý, trẻ rất dễ bị hư hỏng, chơi bời, bị tác động bởi những mặt xấu của văn hóa phương Tây. Các em cũng luôn thích chứng tỏ mình bằng những hành động ngông cuồng, dễ bị bạn bè lôi kéo… Do đó đây là giai đoạn các em cần có gia đình bên cạnh để hướng dẫn mình khỏi những phút giây nông nổi, những lúc lầm đường lạc lối.
Khi cha mẹ cho con một mình đến sống, học tập ở một môi trường hoàn toàn xa lạ trước hết sẽ khiến các em rơi vào tình trạng đơn độc. Những cám dỗ của cuộc sống xa nhà khi không có ai hướng dẫn, quản lý không phải em nào cũng đủ bản lĩnh vượt qua. Không thể khẳng định rằng có bố mẹ kè kè ở bên thì các em sẽ ngoan ngoãn hơn, xác lập được những đức tính tốt và tránh xa những tệ nạn đua đòi như: thuốc lá, cờ bạc, quan hệ tình dục sớm, ma túy… Nhưng rõ ràng ở tuổi này, kỹ năng sống của các em còn rất non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn khủng hoảng của sự phát triển nên rất khó để có thể sống và học tập xa bố mẹ.
2. Áp lực của sự kỳ vọng
Với những ông bố bà mẹ có con đi du học nước ngoài, đây không chỉ là cơ hội học tập rèn luyện của con mà còn là một niềm tự hào vô cùng lớn đối với họ. Chính điều này đôi khi lại trở thành áp lực lớn khiến những cô cậu học trò non nớt không vượt qua được và hậu quả để lại vô cùng đáng tiếc.
Nhiều em sợ gia đình trách móc sinh ra sợ hãi nhút nhát hoặc ngược lại dẫn đến bất cần, sa ngã vào những tệ nạn. Có những trường hợp các em rơi vào bế tắc nên đã lựa chọn cái chết như một sự giải thoát. Sự kỳ vọng của cha mẹ lúc ấy không còn là động lực để các em phấn đấu nữa mà đã trở thành gánh nặng.
3. Phải gánh chịu tổn thương về tinh thần
Các chuyên gia tâm lý giáo dục cảnh báo một nguy cơ có thể xảy ra khi phụ huynh cho con đi du học quá sớm, đó là du học sinh rất dễ bị tổn thương về tâm lý. Các em trở nên cục tính, thiếu tự tin, trầm cảm do không thể hòa nhập cuộc sống mới vì trường học không thể quan tâm đến toàn bộ cuộc sống ngoài giảng đường của du học sinh.
Thực tế cho thấy cho con đi du học sớm không phải là một xu hướng hợp lý, vì vậy các bậc cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa con mình vào một môi trường sống và học tập hoàn toàn mới mẻ.
Comments are closed for this post.