Trong những năm gần đây, cụm từ “Start – up” (khởi nghiệp) chắc chắn không còn xa lạ gì với chúng ta, đặc biệt là các bạn sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học hay những người trẻ đang loay hoay tìm kiếm hướng đi riêng cho sự nghiệp của mình. Trong thời buổi toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sự lên ngôi của ngoại ngữ, đặc biệt là sự phổ biến của tiếng Anh đã trở thành động lực thôi thúc các bạn trẻ khởi nghiệp bằng cách mở trung tâm tiếng Anh, với những chiến lược quảng cáo, phương pháp dạy và học khác hoàn toàn với những trung tâm truyền thống.
Giữa thời buổi mà các trung tâm tiếng anh đang dần trở nên bão hòa, quyết định khởi nghiệp với trung tâm tiếng anh liệu có phải là bước đi khôn ngoan ? Trong giới hạn bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu và phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
1. Tại sao lại là tiếng anh
Thực tế mà nói, trong những năm gần đây, các trung tâm tiếng anh đang dần trở nên bão hòa, quá nhiều các trung tâm mọc lên trên khắp cả nước, bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các thứ tiếng khác như tiếng Trung, Nhật, Hàn,… thu hút sự quan tâm của ngày càng nhiều các bạn trẻ, từ đó khiến vị thế của tiếng Anh bị đe dọa nghiêm trọng. Chính vì vậy, lựa chọn khởi nghiệp với các trung tâm tiếng anh có vẻ như là không phù hợp và đi ngược lại với xu thế chung của toàn xã hội.Thế nhưng, bất chấp những điều kiện và thời cơ “không thật sự thuận lợi như vậy” nhiều người vẫn quyết tâm đi theo tiếng gọi của trái tim, đó là mở trung tâm tiếng anh, và họ cũng có những lý do riêng của mình.
a) Tiếng Anh chưa bao giờ “hết hot”
Quả thực, nếu chỉ nhìn vào số lượng trung tâm anh ngữ cũng như mức độ phổ biến của tiếng Anh tại Việt Nam, người ta sẽ đi đến nhận định rằng tiếng Anh đang dần đi vào “thoái trào”,rằng thay vì học thứ tiếng mà người ta vẫn nói nhan nhản ngoài đường, nhiều người biết và cũng nhiều người giỏi, chi bằng kiếm một ngoại ngữ khác mà học, cơ hội việc làm không những cao hơn, mà còn ít cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, qua các nghiên cứu gần đây và cả thực tiễn đã chứng minh rằng, tiếng Anh vẫn sẽ là ngôn ngữ chủ đạo trong giao tiếp quốc tế những năm tới đây, tiếng Anh vẫn sẽ là ngôn ngữ được dùng nhiều nhất trong các Hội nghị, Diễn đàn quốc tế,…, đóng vai trò kết nối, cầu nối giữa các quốc gia trên thế giới với nhau, như vậy có thể thấy nhu cầu về tiếng Anh không những sẽ không giảm, mà sẽ còn tăng trong những năm tới, tuy nhiên sẽ không thể tăng “phi mã” như ngày xưa, nhưng sẽ ổn định hơn và tính chuyên môn cũng cao hơn rất nhiều.
b) Trung tâm tiếng anh mang “đặc sắc Việt Nam”
Có một điều dễ nhận thấy, đó là các trung tâm anh ngữ ở Việt Nam tuy nhiều nhưng thực tế lại chủ yếu thuộc sở hữu của các ông chủ , công ty nước ngoài, chứ chưa có trung tâm nào đến từ các thương hiệu của Việt Nam. Chính vì vậy, việc mở một trung tâm tiếng anh “thuần Việt” là một cái gì đó mới mẻ, hấp dẫn so với các trung tâm tiếng anh khác. Nhiều người cho rằng học tiếng anh là phải học với người bản xứ thì mới mau tiến bộ. Tuy nhiên, những phản hồi tích cực gần đây về các lớp học tiếng anh với giáo viên người Việt đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều bạn trẻ đang và có ý định theo học tại các trung tâm tiếng anh.
Chất lượng giáo viên người Việt gần đây cũng đã được cải thiện rất nhiều, các giáo viên lại tâm huyết, nhiệt tình và lại là người mình với nhau nên dễ dàng thấu hiểu những vấn đề chung mà người học ngoại ngữ gặp phải, từ đó sẽ có những phương pháp dạy và chiến lược luyện thi phù hợp nhất với từng đối tượng. Chưa kể đên mức học phí của các trung tâm này thường rẻ hơn rất nhiều so với các trung tâm lớn khác. Không chỉ vậy, một số trung tâm tiếng anh của người Việt hiện nay còn có những dự án miễn giảm học phí, cấp học bổng để các trẻ em nghèo cũng có điều kiện được học tiếng Anh theo đúng chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 trong việc dạy và học tiếng anh tại các trung tâm cũng là một điểm sáng lớn, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ được hiệu quả, chất lượng giảng dạy và hơn nữa còn đưa các trung tâm đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là những người đang có ý định học ngoại ngữ nhưng không có thời gian đến trung tâm, người bận rộn, người tự ti không dám đến lớp,… Ra đời sau nhưng các trung tâm tiếng anh của người Việt đang bước những bước vững chắc trên con đường khẳng định uy tín và chất lượng của mình.
2. Những điều kiện cần để mở thành công trung tâm tiếng anh
Xuất phát từ đặc thù của ngành kinh doanh giáo dục, để thành lập một trung tâm ngoại ngữ, bạn cần phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Trung tâm đảm bảo có nguồn tuyển sinh thường xuyên, ổn định.
– Có đội ngũ cán bộ quản lý theo quy định trong Quy chế thành lập trung tâm ngoại ngữ – tin học.
– Có đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn theo quy định, đủ khả năng giảng dạy, đảm bảo cho các lớp hoạt động liên tục, đúng lịch của khóa học.
– Có cơ sở vật chất (văn phòng, phòng học, phòng học tiếng, phòng vi tính,…) với các trang thiết bị học tập đáp ứng yêu cầu thực hiện nội dung, chương trình giảng dạy phần lý thuyết và thực hành của học viên.
– Có nguồn tài chính tối thiểu đủ để chi cho các hoạt động thường xuyên của Trung tâm trong năm đầu tiên.
– Có đầy đủ các điều kiện theo quy định về phòng cháy, nổ, vệ sinh môi trường, y tế và an ninh của trung tâm.
Việc thành lập trung tâm ngoại ngữ phải đảm bảo theo những thủ tục pháp luật đã quy định. Bởi vậy, bạn có thể thuê một trung tâm tư vấn pháp luật hoàn thiện các thủ tục cần thiết này.
Đây chỉ là khung cơ bản nhất để hình thành một trung tâm tiếng anh, còn trung tâm có thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chất lượng của đội ngũ giảng viên, chiến lược xây dựng thương hiệu, hình ảnh, quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất, xác định đối tượng giảng dạy và xây dựng giáo án phù hợp, quản lý và tuyển chọn nhân sự phù hợp,…. “Vạn sự khởi đầu nan” – hãy kiên trì thực hiện mục tiêu và đam mê của bản thân , sẽ đến lúc thành công mỉm cười với bạn.
>>> Tìm hiểu thêm: Phương pháp học tiếng anh trực tuyến của British Council
Comments are closed for this post.