Dễ dàng thấy được những lợi thế nổi bật nếu có thể tích hợp phương pháp dạy học STEM vào mô hình giáo dục truyền thống. Dự kiến trong tương lai, việc triển khai chương trình học STEM sẽ trở nên sâu rộng hơn trên địa bàn các trường công lập cả nước. Trên thực tế, đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với giáo viên tại các trường hiện nay.
1/ Tâm lý bệnh thành tích trong giới học đường hiện nay
Học sinh vẫn còn tâm lý học để lấy điểm, lấy bằng; thường xuyên không tìm kiếm và tự nghiên cứu tài liệu liên quan đến môn học.
Hiện nay, một bộ phận học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý học lấy điểm, lấy bằng dẫn đến việc tiếp thu kiến thức một cách đại trà, máy móc chỉ phục vụ cho việc lên lớp, thi cử. Từ đó, các em học sinh không có định hướng rõ ràng về tương lai hay ngành nghề theo đuổi, đồng thời khả năng áp dụng những kiến thức học thuật này vào thực tiễn đời sống còn yếu kém do chưa được hướng dẫn tận tình và tạo điều kiện về thời gian, tham dự các cuộc thi để ứng dụng, triển khai kiến thức vào sự kiện đời sống thường ngày.
Song với đó, việc chạy trường, chạy điểm cho con vào trường tốt trong địa bàn vẫn là một trong những vấn nạn giới học đường mà không chú trọng việc phát triển tư duy từ bên trong cho trẻ. Bởi vậy, các đơn vị nhà trường nên tư vấn và triển khai nhiều hoạt động về giáo dục STEM như ngày hội Robothon cấp thành phố, toàn quốc, quốc tế, hội trại STEM, CNTT…
2/ Thiếu cơ sở về vật chất và tài liệu học thuật STEM
Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục được tiếp thu từ nước ngoài, bởi vậy khi giáo dục Việt Nam cần triển khai STEM sẽ cần tìm hiểu và thu thập thêm tài liệu học thuật về STEM đồng thời học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nền giáo dục có thâm niên tích hợp STEM lâu dài như Hội đồng Anh, các trường quốc tế uy tín tại Việt Nam đã tích hợp chương trình học mới này vào giảng dạy.
Ngoài ra, sĩ số lớp học quá đông cũng gây khó khăn cho tổ chức hoạt động, không đủ giáo cụ giảng dạy từ đó làm cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Việc không có phòng học STEM hoặc phòng thực hành để học sinh có nơi làm việc nhóm, nghiên cứu, thí nghiệm cũng là một khó khăn. Với các nội dung học tập chuyên sâu hơn như khoa học máy tính, robotic, lập trình thì cần đầu tư kinh phí lớn hơn, nên đây cũng là rào cản.
3/ Phương pháp luận xây dựng chương trình học STEM vẫy chưa được hoàn thiện
Khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Trưởng phòng GD&ĐT quận Kiến An cho rằng, cần có hướng dẫn về những chủ đề STEM trong các môn/lĩnh vực học tập để tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức dạy học. Đi kèm với việc “chương trình hóa” giáo dục STEM cũng cần có các chính sách, chế độ, quy định kèm theo. Vì, khi chưa có các quy định, chính sách cụ thể sẽ khiến quá trình triển khai giáo dục STEM chưa có chỗ đứng vững chắc mà mới chỉ dừng lại ở hình thức, phong trào.
Để các môn học gắn với STEM đạt hiệu quả, rất cần những chính sách cụ thể hơn về giáo dục STEM; sự vào cuộc của các tổ chức khoa học, nghề nghiệp và vai trò chuyên môn của các nhà khoa học liên quan đến ngành nghề STEM. Đó là yếu tố quan trọng mà các trường phổ thông cần có để biến dạy học STEM từ một thách thức trở thành cơ hội, đạt được các mục tiêu trong sự nghiệp giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
4/ Giáo viên các cấp chưa có sự đầu tư triển khai lớp học STEM
Giáo viên/giảng viên chưa được đầu tư cho hoạt động giảng dạy đúng mức, có nhiều người thờ ơ với hoạt động giảng dạy này bởi đây là phương pháp đòi hỏi thời gian, công sức và chất xám cho mỗi tiết học lớn hơn giảng dạy trong trường học.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý giáo dục cần phải thiết lập chính sách khuyến khích giáo dục STEM, tạo bộ khung chuẩn cho STEM Việt Nam; đối với đội ngũ giảng viên cần học tập, áp dụng STEM, tăng cường hợp tác thúc đẩy nâng cao năng lực giảng dạy; đối với sinh viên sư phạm cần hiểu về giảng dạy STEM, thực hành về STEM; đối với đội ngũ giáo viên cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về STEM.
Các chuyên gia cho rằng, muốn ứng dụng STEM tại Việt Nam cần nhiều kinh phí. Nghiên cứu phát triển STEM cũng gặp khó khăn vì thiếu kinh phí, do vậy các nhà khoa học mong rằng sẽ có cơ chế, chính sách có thêm kinh phí cho phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam.
Trên đây là một số bất cập khi tích hợp giáo dục STEM vào chương trình học đổi mới tại Việt Nam. Tuy còn nhiều thiếu sót trong việc hoàn thiện khung chương trình học STEM, nhưng với tinh thần phát triển giáo dục tích cực của Việt Nam, hy vọng về việc hội nhập thế giới thông qua chương trình đổi mới vẫn còn nhiều cơ hội tiềm năng còn bỏ ngõ và rất cần sự dụng tâm rất lớn từ khía các đơn vị giáo dục và tinh thần học hỏi của học sinh tại Việt Nam.
>>>Xem thêm: Chương trình giáo dục mầm non giúp trẻ thông minh hơn
Comments are closed for this post.